Cuộc Đua Tái Đào Tạo Kỹ Năng Cho Nhân Viên Trong Giai Đoạn COVID-19
08/09/2021
Theo nghiên cứu Global Talent Trends của Mercer thực hiện vào năm 2020, mặc dù có đến 78% nhân viên nói rằng họ sẵn sàng để tái đào tạo kỹ năng (reskilling), các nhà quản lý vẫn tin rằng chỉ 45% nhân viên hiện tại của mình có thể thích ứng với sự thay đổi.
Bằng việc triển khai các chương trình tái đào tạo nhanh chóng và rộng rãi, doanh nghiệp có thể vượt xa đối thủ nhờ tốc độ chuyển mình nhanh chóng, đặc biệt là khi “hiện thực mới” với nhiều biến động và gián đoạn đã thay đổi toàn bộ những quan niệm thông thường, tạo tiền đề cho những tiêu chuẩn mới trong cách mỗi người sinh hoạt, làm việc và kinh doanh.
Do đó, không chỉ dừng lại ở một lựa chọn, thay đổi để thích nghi trở thành yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp khi xây dựng lực lượng lao động có thể tồn tại và vươn lên trong thế giới đầy biến động.
6 bước để xây dựng chiến lược tái đạo tào/nâng cao kĩ năng hiệu quả
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một tổ chức năng động và linh hoạt để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đa số nhà quản lý không biết chính xác phải bắt đầu từ đâu. Để giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, Talentnet gợi ý một bộ giải pháp gồm ba bước xây dựng chiến lược và ba bước hiện thực hóa những chiến lược này.
Xác định rõ ưu tiên của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi
Các nhà lãnh đạo cần xác định rõ động lực cốt lõi mang đến giá trị cho doanh nghiệp, cũng như lực lượng lao động chủ chốt của doanh nghiệp. Đầu tiên, để làm được điều này, nhà quản lý cần bắt tay vào việc đánh giá và so sánh những kỹ năng, nguồn lực nhân viên đang sở hữu với những gì doanh nghiệp cần trong và sau giai đoạn phục hồi. Điều này sẽ giúp nhà quản lý xác định đúng và đủ bộ kỹ năng để trang bị cho nhân viên và kịp thời đáp ứng những kỳ vọng mới từ khách hàng.
Biết mình muốn gì và cần gì chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hiệu quả. Bằng việc khuyến khích người lao động chủ động trao đổi và chia sẻ kiến thức, doanh nghiệp có thế phát triển một lộ trình đào tạo nhân sự bài bản, bao gồm các kỹ năng được cá nhân hoá cho từng nhân viên.
Thiết lập lộ trình đào tạo phù hợp để cung cấp các năng lực thiết yếu
Trong quá tình thay đổi kế hoạch để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp thường đối mặt với những lỗ hổng chuyên môn của các nhân viên. Các nhà lãnh đạo cần có một cái nhìn chi tiết về nhiệm vụ chính của từng bộ phận, phòng ban trong 12 đến 18 tháng tiếp theo cũng như những kỹ năng mà mỗi bộ phận, phòng ban này cần trang bị để tiến hành các chương trình tái đào tạo và nâng cao năng lực.
Ví dụ như trường hợp của một doanh nghiệp tại Trung Quốc, sau khi thực hiện những thay đổi căn bản trong kế hoạch phát triển để ứng phó với đại dịch, doanh nghiệp này đã nhanh chóng điều chỉnh cả lộ trình phát triển cho từng nhân viên. Sau khi áp dụng chiến lược mới, nhận thấy những lỗ hổng trong trình độ chuyên môn nội bộ, doanh nghiệp đã triển khai một loạt các chương trình tái đào tạo (reskilling) và nâng cao năng lực (upskilling) khác nhau nhằm trang bị kỹ năng cho nhân viên thuộc những bộ phận nòng cốt. Sau khi đã hoàn tất việc “nâng cấp” những bộ phận này, doanh nghiệp Trung Quốc đã tiến hành nâng cao năng lực bán hàng cho toàn bộ công ty, đồng thời cải thiện các phương pháp, mô hình làm việc trực tuyến.
Tuyệt đối đừng chần chừ
Thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”, tái đào tạo nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp giữ thế chủ động và luôn sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi và nhu cầu mới. Trong khi sự linh hoạt và khả năng hành động nhanh chóng là yếu tố quyết định, nhà quản lý cần phân biệt rõ đâu là những kỹ năng cần và không cần của doanh nghiệp trong thời kỳ gián đoạn như hiện nay.
Tham khảo chiến lược của các doanh nghiệp nhỏ để tối ưu hoá hiệu quả
Lời khuyên này có thể hơi khó hiểu với một vài doanh nghiệp khi các tập đoàn lớn vốn sở hữu tiềm lực tài chính vững vàng hơn các công ty nhỏ. Tuy nhiên, khác với những gì chúng ta thường nghĩ, theo một nghiên cứu của McKinsey, chương trình tái đào tạo (reskilling) ở các tổ chức có quy mô nhỏ (dưới 1.000 nhân viên) thường thành công và hiệu quả hơn so với các tập đoàn lớn.
Khác với những tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ thường không sở hữu cơ cấu tổ chức quá phức tạp. Điều này giúp họ dễ dàng đạt được hiệu quả khi tiến hành tái đào tạo. Họ sẵn sàng chấp nhận thất bại, đồng thời hiểu rõ hơn về những lỗ hổng kỹ năng đang tồn tại để có biện pháp can thiệp kịp thời. Nói như vậy không có nghĩa những tập đoàn lớn sẽ thiếu sự linh hoạt khi tiến hành tái đào tạo kỹ năng, nhưng quy trình này sẽ diễn ra phức tạp hơn đối với họ.
Xây dựng ngân sách riêng cho hoạt động L&D
Theo Talentnet, công ty tư vấn nhân sự hàng đầu Việt Nam, hoạt động L&D đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược ứng phó với khủng hoảng của các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần hạn chế cắt giảm chi phí dành cho đào tạo và phát triển nhân viên. Trong bối cảnh khủng hoảng đang thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, nhân viên sớm muộn cũng cần phải được trang bị những kỹ năng mới để kịp thời thích ứng. Chính vì vậy, việc hạn chế ngân sách cho hoạt động L&D chỉ là một sự trì hoãn vô ích các khoản đầu tư bắt buộc phải chi trả của doanh nghiệp.
Tận dụng nguồn lực và kế hoạch đào tạo sẵn có
Thay vì phải lên kế hoạch lại từ đầu, nhà quản lý nên tập trung vào việc “nâng cấp” hệ sinh thái giáo dục của công ty thông qua việc tiến hành chuyển đổi số và mở rộng cơ hội tiếp cận cho nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên chủ động trau dồi thêm những kiến thức, kinh nghiệm còn thiếu ở ngoài doanh nghiệp bằng việc đầu tư vào những công cụ học tập mới. Một ví dụ tiêu biểu chính là Ứng dụng học nói tiếng Anh ELSA Speak sử dụng công nghệ AI để giúp nhân viên nâng cao kỹ thuật giao tiếp tiếng Anh. Phần mềm còn cho phép doanh nghiệp thiết kế chương trình học theo ngành nghề, và hỗ trợ theo dõi tiến trình học tập của nhân viên, cũng như tính toán hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp.
Đó là một vài hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược tái đào tạo hiệu quả. Thông thường, khi bắt đầu tiến hành tái đào tạo, doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các đối tác sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng các giải pháp, nguồn tài nguyên đã được chuẩn bị và kiểm chứng bởi những người có năng lực chuyên môn. Vì vậy, sự tư vấn từ các công ty nhân sự có thể là giải pháp tốt để doanh nghiệp bắt kịp trong cuộc đua tái đào tạo nhân sự giữa cơn khủng hoảng mang tên Covid.