Tiêu Điểm Hội Thảo Trực Tuyến: Đà Nẵng – Điểm Đến Bán Dẫn & AI, Hỗ Trợ Lao Động Nước Ngoài Toàn Diện

19/05/2025
Sáng ngày 14/05/2025, hội thảo trực tuyến “Đà Nẵng – Điểm đến Bán dẫn & AI: Hỗ trợ lao động nước ngoài toàn diện” do Talentnet phối hợp cùng Synopsys và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo, Thiết kế Vi mạch & Trí tuệ Nhân tạo (DSAC) tổ chức đã diễn ra thành công, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong bối cảnh Đà Nẵng đang đẩy mạnh chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và AI, chương trình nhằm cung cấp thông tin cập nhật về hệ sinh thái đầu tư, chính sách thuế, cũng như các hỗ trợ pháp lý liên quan đến chuyên gia nước ngoài làm việc tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Tổng quan ngành bán dẫn và nhu cầu nguồn nhân lực
Mở đầu với cái nhìn toàn cảnh về ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, ông Nguyễn Hữu Mượn – Quản lý cấp cao bộ phận R&D tại Synopsys Việt Nam nhấn mạnh vai trò kinh tế của lĩnh vực này khi chi phí phần cứng chiếm đến 60–75% trong sản phẩm công nghệ như iPhone. Điều này chứng minh chip là thành phần trọng yếu trong hầu hết thiết bị công nghệ hiện đại
Ngoài ra, ông Mượn còn trình bày tổng thể chuỗi giá trị ngành sản xuất chip, bắt đầu từ khâu thiết kế, phần mềm mô phỏng (EDA), IP module, đến đóng gói và sản xuất vật lý tại các tập đoàn lớn như TSMC, Intel, Samsung. Đồng thời, ông nhấn mạnh khoảng cách lớn về nguồn nhân lực khi Việt Nam hiện mới có khoảng 5.000–6.000 kỹ sư bán dẫn, trong khi mục tiêu đến năm 2030 là 50.000 người.
Chính sách tại Đà Nẵng nhằm thúc đẩy đầu tư công nghệ cao
Ở phần kế tiếp của chương trình, Chị Lê Quỳnh Anh – đại diện Trung tâm DSAC – trình bày chiến lược phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI tại Đà Nẵng, dựa trên công thức “C = S + E + T” (Chip, thiết bị chuyên dụng, thiết bị điện tử và nhân tài). Mục tiêu đến 2030: hình thành 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, đội ngũ 5.000 kỹ sư bán dẫn và 3.000 nhân lực AI.
Đà Nẵng triển khai loạt chính sách mạnh mẽ nhằm thu hút và phát triển nhân lực, doanh nghiệp trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, theo Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội và các nghị quyết địa phương liên quan:
- Ưu đãi về thuế: Miễn thuế TNCN trong 5 năm cho kỹ sư công nghệ cao; miễn thuế từ thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực bán dẫn & AI.
- Ưu đãi về nhân lực: Học bổng lên tới 200 triệu đồng/người cho sinh viên ngành công nghệ cao và miễn hoàn trả nếu làm việc tại Đà Nẵng trong vòng 3 năm.
- Ưu đãi về cơ sở hạ tầng: Hỗ trợ thuê mặt bằng cho doanh nghiệp công nghệ, miễn đấu thầu khi đầu tư thiết bị đối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao.
Khung pháp lý và hỗ trợ dành cho chuyên gia nước ngoài
Chị Đoàn Thị Kiều Vân – Phó Giám đốc Dịch vụ Tính lương & Tư vấn doanh nghiệp, Talentnet – chia sẻ, Chuyên gia nước ngoài vẫn có nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, ngay cả khi làm việc từ xa, nếu công việc gắn với thị trường Việt Nam.
Căn cứ theo Thông tư 111/2014, các khoản vé máy bay, lưu trú do doanh nghiệp Việt chi trả cũng được tính vào thu nhập chịu thuế, và số ngày hiện diện tại Việt Nam là yếu tố xác định quan trọng.
Khuyến nghị dành cho doanh nghiệp:
- Lưu trữ hồ sơ thuế rõ ràng, minh bạch;
- Rà soát định kỳ việc tuân thủ;
- Chủ động tìm tư vấn chuyên môn để tối ưu thuế và phòng tránh rủi ro pháp lý
Những chia sẻ thực tiễn – Kết nối chiến lược & hành động
Sự kiện lần này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn, mà còn mang đến những giải đáp cụ thể về các vấn đề thiết thực: từ chuyển đổi ngành sang bán dẫn, đến ưu đãi thuế TNDN, miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp công nghệ cao, hay chính sách hỗ trợ R&D tại Đà Nẵng.
Với những thông tin cập nhật và góc nhìn chiến lược, hội thảo đã góp phần làm rõ bức tranh phát triển ngành bán dẫn & AI tại Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thực tế cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao – đặc biệt là chuyên gia quốc tế.
